Công nghiệp phụ trợ: Sợi, dệt đón TPP

cong nghiep phu tro.tin.tuc

Công nghiệp phụ trợ: Sợi, dệt đón TPP

Công nghiệp phụ trợ: Sợi, dệt đón TPP

Hàng loạt dự án nhà máy sản xuất sợi đã mọc lên nhằm đón làn sóng dịch chuyển của các nhà sản xuất vải, đặc biệt là các công ty của Đài Loan, Hàn Quốc từ Trung Quốc qua Việt Nam để tận dụng lợi thế về thuế từ các điều khoản của Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP).

 

Mối quan tâm của Ấn Độ
Tuần qua, dự án thành lập Khu công nghiệp Dệt may Ấn Độ ở TP.HCM đã được Hội đồng Xúc tiến xuất khẩu hàng dệt và sợi tổng hợp và tơ nhân tạo (SRTEPC) gửi đến các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

 

“Ông Manoj Kymar, Tổng lãnh sự Ấn Độ tại TP.HCM, cho biết, các nhà đầu tư Ấn Độ đang rất quan tâm tìm giải pháp gắn kết được công nghiệp hỗ trợ từ Ấn Độ với các nhà sản xuất hàng may mặc của Việt Nam, nhằm tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do sắp tới.

 

“Mình chưa làm được sợi, dệt, nhuộm, trong khi Ấn Độ mạnh lĩnh vực này, nên nếu họ vào đầu tư thì rất tốt”, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP May Sài Gòn 3, Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP.HCM (Agtek), chia sẻ.

 

Sự quan tâm của các nhà đầu tư Ấn Độ trong lĩnh vực sợi cũng cho thấy điểm yếu của ngành công nghiệp dệt may Việt Nam khi đứng trước các cơ hội lớn để mở rộng thị trường.

 

Ông Nguyễn Văn Hùng, Tổng giám đốc Tổng công ty 28 cho biết, nếu TPP được ký kết, dệt may và da giày sẽ được hưởng lợi nhiều nhất, do thuế xuất khẩu giảm về 0%, thay vì từ 12-17% như hiện nay.

 

Tuy nhiên, khó nhất hiện nay với các doanh nghiệp (DN) dệt may của Việt Nam là có đến 60% nguyên phụ liệu phải nhập từ bên ngoài, mà đa phần là nhập từ Trung Quốc – quốc gia không phải thành viên TPP.

 

Trong khi đó, để được hưởng ưu đãi về thuế đòi hỏi DN dệt may Việt Nam phải tự chủ về nguyên phụ liệu, hoặc nhập khẩu từ các nước tham gia TPP, nhưng đa phần các nước tham gia TPP không phải là những nước cung cấp nguyên liệu.

 

Để giải bài toán này, Tổng công ty 28 đã tìm phương án hợp tác với một đối tác Nhật Bản – nước tham gia TPP để sản xuất nguyên phụ liệu (vải len).

 

“Chúng tôi đã ký một hợp đồng hợp tác trong 10 năm với Tập đoàn Sotoh. Đây là tập đoàn lớn nhất của Nhật Bản (chiếm 40% thị phần tại thị trường nội địa) về vải len. Giai đoạn 1, họ sẽ cung cấp các thiết bị hoàn tất vải len, cử chuyên gia sang chuyển giao công nghệ và bao tiêu sản phẩm cho chúng tôi với công suất trước mắt là 5 triệu m vải/năm”, ông Nguyễn Văn Hùng cho biết.

 

Vào tháng 12 năm ngoái, tại buổi đấu giá 5 triệu cổ phần Công ty CP Sợi Thế Kỷ (STK) đã diễn ra rất nhanh chóng với việc phân phối thành công 100% khối lượng chào bán ở mức giá thành công bình quân 24.124 đồng/cổ phiếu, cao hơn mức giá đấu khởi điểm 34%. Qua buổi đấu giá, STK và cổ đông lớn Red River Holding thu về 120,6 tỷ đồng.

 

Theo ông Đặng Triệu Hòa, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc STK, mục đích của đợt chào bán này là để huy động vốn nhằm tài trợ một phần cho dự án nhà máy mở rộng tại Trảng Bàng (Tây Ninh) – giai đoạn 3. Dự án có tổng vốn đầu tư là 729 tỷ đồng, đã được triển khai từ tháng 5/2014.

 

85%
Thống kê từ Vitas cho biết, có đến 60 – 70% nguyên phụ liệu sản xuất trong ngành dệt may Việt Nam đang nhập khẩu và 85% DN sản xuất theo phương thức gia công đơn giản, do vậy, giá trị gia tăng không cao và thâm dụng lao động nhiều.

 

Dự kiến khi hoàn tất, dự án sẽ cung cấp thêm khoảng 15.000 tấn sợi POY và 15.000 tấn sợi DTY, nâng tổng công suất toàn Công ty lên hơn 52.000 tấn sợi mỗi năm. Theo kế hoạch, 50% công suất của nhà máy sẽ được đưa vào khai thác thương mại vào tháng 7/2015 và 50% công suất còn lại sẽ được tiếp tục dưa vào khai thác vào quý I/2016.

 

“Với dự án đầu tư này, STK sẽ đáp ứng được một phần nhu cầu về sợi đang tăng mạnh tại thị trường Việt Nam do làn sóng dịch chuyển các nhà sản xuất vải (khách hàng của nhà sản xuất sợi) đặc biệt là các công ty của Đài Loan, Hàn Quốc từ Trung Quốc qua Việt Nam nhằm đón đầu Hiệp định TPP”, ông Đặng Triệu Hòa nói.

 

Sợi thôi chưa đủ
Theo Hiệp hội Dệt May Việt Nam, các DN trong lĩnh vực dệt may đang đẩy mạnh đầu tư nhà máy sản xuất sợi. Hiện Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) đã đưa 3 dự án sản xuất sợi đi vào hoạt động là Nhà máy Sợi Phú Bài 2, Nhà máy Sợi Vinatex – Hồng Lĩnh, Nhà máy Sợi Đồng Văn.

 

Bốn dự án sản xuất nguyên phụ liệu sợi khác cũng đang được đẩy nhanh tiến độ để kịp đưa vào sản xuất. Tổng công ty 28, Công ty Dệt may Thành Công, Tổng công ty CP Phong Phú cũng đang đầu tư hoặc xúc tiến hợp tác với các tập đoàn Nhật Bản, Đài Loan để đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà máy sản xuất nguyên phụ liệu sợi phục vụ cho ngành dệt may.

 

Trước việc các DN “chạy đua” đầu tư vào ngành sợi, ông Phạm Xuân Hồng, cho rằng, kinh tế thị trường, có nhu cầu thì ắt nguồn cung sẽ phát triển để đáp ứng. Tuy nhiên, nếu các DN chỉ tập trung phát triển mạnh về lĩnh vực sợi thì chưa đủ. Bởi lẽ, hiện tại một số DN Việt Nam cũng đã có thể xuất khẩu sợi.

 

“Điều cần thiết nhất của ngành dệt may là phải có sự phát triển đồng bộ, tức bên cạnh sợi cần có dệt, nhuộm đi kèm. Tuy nhiên, cái khó là, phát triển lĩnh vực nhuộm đang gặp rào cản về môi trường. Hầu hết các địa phương vẫn ngại cấp giấy phép đầu tư dự án dệt, nhuộm. Mặt khác, đầu tư vào dệt, nhuộm đòi hỏi nguồn vốn rất lớn, do phải xử lý nước thải, đảm bảo vấn đề môi trường, mà tỷ suất lợi nhuận của việc đầu tư này khá thấp nên chưa thu hút được các nhà đầu tư”, Chủ tịch Agtek nói.

 

Theo các chuyên gia trong ngành may mặc, khi TPP được ký kết, thuế nhập khẩu hàng dệt may Việt Nam vào thị trường Mỹ sẽ giảm xuống 0% so với mức trung bình 17% – 18% hiện tại. Tuy nhiên, để hưởng được ưu đãi này, hàng dệt may Việt Nam phải tuân thủ quy tắc xuất xứ “từ sợi trở đi”.

 

Đây cũng là lý do Nhà nước đang khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ nói chung, lĩnh vực sợi nói riêng. Tuy nhiên, từ kinh nghiệm thực tế, ông Phạm Xuân Hồng cho rằng, khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ đồng nghĩa với việc “khuyến khích cung cấp nguyên liệu”.

 

Phải hiểu rõ vấn đề này thì mới có cơ chế thỏa đáng để thu hút đầu tư vào các lĩnh vực dệt, nhuộm, từ đó tạo ra sự phát triển đồng bộ, bền vững cho ngành dệt may.

 

NGUYỄN LAN/Doanh nhân Sài Gòn
Tin tức Related